'Thiếu niên ca hành' tạo nên thế giới 'tân võ hiệp' thu hút khán giả trẻ như thế nào
Không có vai diễn nào là 'người công cụ'
'Trưởng thành' là trọng tâm của câu chuyện phim Thiếu niên ca hành. Hiệp khách thiếu niên Lôi Vô Kiệt vừa bước chân vào giang hồ, nơi đầu tiên anh đặt chân đến là thành Tuyết Nguyệt và vô tình bị cuốn vào một vụ việc gây chấn động giang hồ. Trong quá trình đó, anh gặp chủ quán trọ - Tiêu Sắt có thân phận bí ẩn, đại đệ tử thành Tuyết Nguyệt - Đường Liên, hòa thượng Vô Tâm thần bí… Các hiệp khách thiếu niên đồng hành bên nhau, cùng nhau trưởng thành.
Bộ phim Thiếu niên ca hành thu hút sự chú ý của khán giả nhờ kết hợp yếu tố võ hiệp và huyền ảo, tạo ra thế giới 'tân võ hiệp'.
Nhà sản xuất đã định vị Thiếu niên ca hành là bộ phim về nhóm giang hồ. Đạo diễn Doãn Đào cho biết: 'Bộ phim này có một thế giới quan vô cùng rộng lớn, trong đó mỗi môn phái đều có câu chuyện riêng, mỗi nhân vật đều có máu có thịt. Mặc dù do vấn đề thời lượng, thời gian xuất hiện của các nhân vật trong phim có dài có ngắn, nhưng theo tác giả kiêm tổng biên kịch Châu Mộc Nam, không có vai diễn nào trong bộ phim này là 'người công cụ'.
Chúng tôi hy vọng có thể mang đến cho khán giả những nhân vật sống động, chứ không phải trở thành 'bàn đạp' cho các nhân vật chính yêu đương hay nâng cấp, dù chỉ là một vai phụ, cũng có câu chuyện của riêng mình. Chúng tôi mong muốn tạo ra một thiếu niên giang hồ ấm áp, tràn đầy sức sống, hay nói cách khác, nhân vật chính là mỗi một người trong giang hồ'.
'Thiếu niên ca hành dùng phương pháp khắc họa nhóm, thể hiện quá trình trưởng thành của những người trẻ tuổi từ thiếu niên trở thành người đàn ông đích thật' - Doãn Đào nói. Theo cách nhìn của ông, 'tân' trong 'tân võ hiệp' là lấy cảm giác thiếu niên làm trọng tâm, 'Tiêu Sắt và Vô Tâm giúp Lôi Vô Kiệt trở thành thiếu niên anh hùng thật sự, Lôi Vô Kiệt và Vô Tâm cũng đồng hành với Tiêu Sắt từ cuộc sống cô độc ẩn thế đến tìm lại chính mình. Ban đầu họ chỉ là gặp cảnh bất bình giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, dần dần trong quá trình giúp đỡ người khác họ cũng tự hoàn thiện chính mình. Điều mà bộ phim này phản ánh, là mỗi thiếu niên đều phải đối mặt với đề bài trường thành'.
Phim võ thuật kiêm 'trí tưởng tượng' và 'cảm giác chân thật'
Đoàn làm phim đã thiết kế 100 loại binh khí cho 84 nhân vật trong phim, đủ cho thấy sự nghiêm túc về mặt đầu tư.
Những cảnh võ thuật đẹp mắt cũng là điểm cộng của bộ phim Thiếu niên ca hành, hầu hết cảnh võ thuật dựa trên sự kết hợp của kỹ xảo và động tác thật để đạt được hiệu quả tuyệt vời. Có khán giả cảm thán: 'Cuối cùng không còn là phim võ thuật quay chậm nữa'.
Châu Mộc Nam giới thiệu, Thiếu niên ca hành thuộc lĩnh vực 'võ công cao huyền ảo thấp': 'Phân định theo một số phim võ hiệp chúng ta đã xem trước đây, Thiếu niên ca hành thuộc loại hình của tác phẩm kinh điển Phong vân hùng bá thiên hạ, khác với võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long. Bộ phim tốn rất nhiều công sức vào kỹ xảo và động tác, chỉ nhìn vào hai điểm này, mấy năm gần đây hiếm có phim võ hiệp nào có thể đạt được hiệu quả như vậy'.
Ngoài ra, đoàn làm phim còn 'đo ni' 205 bộ trang phục cho 84 nhân vật trong phim.
Đối với phim hội tụ cả yếu tố võ hiệp và huyền ảo mà nói, cân bằng giữa 'trí tưởng tượng' và 'cảm giác chân thật' rất quan trọng. Trước vấn đề nan giải này, Thiếu niên ca hành xử lý khá tốt, bí quyết chính là khiến chiêu thức võ thuật và kỹ xảo khảm vào trong nhân vật. Đạo diễn Doãn Đào tiết lộ:
'Mỗi môn phái đều có đặc điểm riêng, chiêu thức của mỗi nhân vật đều được khai thác dựa theo tính cách nhân vật đó, khán giả sẽ cảm thấy rất thoải mái khi xem và tin rằng những chiêu thức võ thuật này là có thật. Nhưng khác với những bộ phim võ hiệp thiên về võ thuật, chúng tôi vừa giữ lại cảm giác mạnh mẽ trong cảnh võ thuật, mà cách thể hiện lại thanh thoát tao nhã hơn; trong phim nhân vật và kỹ xảo dung hòa, tạo nên phong cách thẩm mỹ riêng'.
Đạo diễn Doãn Đào dùng câu 'mở lớn đóng mạnh' để mô tả về cảnh võ thuật trong phim Thiếu niên ca hành: 'Ví dụ Bạch Phát Tiên rút kiếm phất một cái, những viên đá nhỏ xung quanh nhẹ nhàng bay lên không trung, kiếm khí xẻ đôi xe ngựa; khi Thiên Nữ Nhụy xuất hiện, cánh hoa và ruy băng đỏ tuôn xuống, chiêu thức của cô còn kết hợp với động tác vũ đạo, liền mạch lưu loát; cách xuất hiện của Đường Liên cũng rất thú vị, cô chỉ cần chỉ tay một cái, đối phương liền ngã xuống đất, lúc này ống kính kéo ra xa, Đường Liên và hoa tuyết bay đầy trời như hòa làm một, tràn ngập ý thơ'.
Điều đáng nói là, Thiếu niên ca hành không sử dụng kỹ thuật tân tiến, tổng giám chế hiệu ứng hình ảnh của bộ phim là Triệu Cương và Vương Lợi Minh cho biết: 'Hiện tại, công nghệ kỹ xảo ở Trung Quốc đã có thể đáp ứng yêu cầu của đạo diễn, do đó trọng tâm của lần đổi mới này là về mặt thiết kế và ý tưởng. Cảnh võ thuật của bộ phim này thắng về mặt thẩm mỹ và sự khéo léo. Ấn tượng mà phim võ hiệp truyền thống mang đến cho khán giả thường là cũ kỹ và lỗi thời, nhưng đạo diễn yêu cầu chúng tôi tìm hiểu thêm về thẩm mỹ và sở thích của khán giả trẻ, cho nên hiệu ứng hình ảnh của Thiếu niên ca hành trẻ trung hơn, chúng tôi làm tiết tấu nhanh hơn, tươi trẻ hơn, màu sắc cũng táo bạo hơn'.
Tam quan đủ tích cực mới có thể 'cháy' lên
Thiếu niên ca hành vừa có sự cuồng nhiệt và cháy bỏng của cảm giác truyện tranh, đồng thời cũng thể hiện được hiệp khí và nghĩa khí của phim võ hiệp truyền thống, thu hút được những khán giả ít khi xem phim võ hiệp 'lọt hố'.
Đạo diễn Doãn Đào nhấn mạnh: 'Chủ đề của bộ phim này, một mặt thể hiện nhiệt huyết bừng bừng của tuổi trẻ, mặt khác là tình nghĩa bảo vệ lẫn nhau giữa các nhân vật chính'. Theo quan điểm của ông, muốn làm ra một bộ phim võ hiệp được yêu thích, 'sự trưởng thành của nhân vật' và 'tam quan tích cực' rất quan trọng. Cái gọi là 'cảm giác bùng cháy', tam quan nhất định phải tích cực mới có thể cháy lên và khiến khán giả rung động.
Với tư cách là tác giả và tổng biên kịch, Châu Mộc Nam càng hy vọng Thiếu niên ca hành có thể trở thành bộ phim phù hợp với mọi lứa tuổi, hấp dẫn khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau:
'Tôi không thích dùng từ người trẻ, người trung niên, người già để phân chia đối tượng khán giả. Tôi làm về nội dung, nên sẽ cảm tính một chút. Nhân vật Bách Lý Đông Quân mà tôi viết trong truyện Thiếu niên ca hành, là nhân vật chính của tác phẩm Thiếu niên bạch mã túy xuân phong, nhưng trong nguyên tác anh ấy đã 40 tuổi, dù vậy tôi cảm thấy anh ấy vẫn là một thiếu niên. Tuổi tác chỉ là con số, bản tính của chúng ta mới là thứ sống động. Tôi cảm thấy những người thuộc thế hệ của cha tôi khi xem Thiếu niên ca hành, cũng sẽ bị những cảnh đấu võ và thế giới giang hồ trong đó cuốn hút, vì tôi tin rằng trong lòng của mỗi người đều có một thế giới giang hồ của riêng mình'.
Bình luận