Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Sự thật về 10 bộ phim khắc họa lịch sử nhân loại

530
0

Có những tác phẩm điện ảnh tuyên bố rằng sẽ giới thiệu đến khán giả cuộc đời một danh nhân hay sự kiện chấn động nào đó. Thế nhưng, với lý do "sáng tạo", ê-kíp làm phim đã hoàn toàn viết lại lịch sử theo cách riêng của họ. Điều duy nhất có thể tin tưởng được là tên các nhân vật, địa danh liên quan. Dưới đây là danh sách tổng hợp top 10 bộ phim như thế.

1. Steve Job (2015)

Steve Job là tác phẩm điện ảnh thứ hai sau Jobs (2013) khắc họa cuộc đời người đồng sáng lập hãng Apple. Bộ phim gặp phải hàng loạt khó khăn để được phát hành và là một trong số các dự án nổi bật nhất bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công mạng vào Sony Pictures trước khi về tay Universal. Steve Job (2015) đón nhận nhiều lời khen tích cực, những ngôi sao như Michael Fassbender với Kate Winslet đều nhận được đề cử giải Oscar.

Nhưng Steve Job (2015) cũng tạo nên tranh cãi bởi nó không phản ánh chính xác chân dung của Steve lẫn các nhân vật xung quanh ông. Những ai từng hiểu rõ tính khí khó nhằn nổi tiếng ở Steve đều cảm thấy bộ phim đã thể hiện chúng quá đà, bao gồm cả Steve Wozniak và Tim Cook. Một tình tiết gây bất đồng khác là ý nghĩa Steve sáng lập NeXT chỉ đơn giản như chiêu trò nhằm quay lại Apple.

Biên kịch Aaron Sorkin đã bảo vệ cho bộ phim, rằng nó không nhằm mục đích miêu tả "sự kiện thực tế" hay trở thành tác phẩm dựa trên thực tế, vốn là những điều kỳ quặc, nguy hiểm khi bàn về thể loại phim tiểu sử, đặc biệt lúc nó được sản xuất ngay sau thời điểm họ qua đời.

2. The Greatest Showman (2017)

The Greatest Showman trở thành ứng cử viên nổi bật trong mùa giải thưởng cuối năm 2017 với 3 đề cử Quả Cầu Vàng (thắng một giải) trước khi tấn công màn ảnh rộng. Tuy nhiên, bên cạnh lời tung hô từ giới phê bình. Tác phẩm vẫn gây bất đồng và tranh cãi lớn.

Theo bộ phim, P.T. Barnum là người đàn ông tử tế làm chủ rạp xiếc di động, mái nhà ẩn náu cho những phận đời bị xã hội kì thị, ruồng bỏ. Nhưng theo ghi chép lịch sử, Barnum lại cực kì tàn bạo, không ngần ngại lạm dụng diễn viên xiếc động vật để tham gia đấu thầu. Dẫu ông ta rõ ràng phản đối việc chiếm dụng nô lệ da màu, Barnum rất ít quan tâm đến các vấn đề xã hội, vô tư khai thác khiếm khuyết bất thường về thể chất con người tại chương trình của mình và hay đi lừa phỉnh người khác.

Hơn nữa, The Greatest Showman chưa lột tả công bằng hình tượng nữ ca sĩ Jenny Lind, người mà trong phim đã rời bỏ chuyến lưu diễn nửa chừng vì chuyện tình cảm cùng Barnum. Thực tế, giữa hai người chẳng hề phát sinh chút tình cảm nào, Lind ngừng hợp tác với Barnum vì lịch trình show quá dày đặc. Cô dành phần lớn thời gian sau đó để theo đuổi các hoạt động từ thiện.

3. The Far Horizons (1955)

Phát hành năm 1955, The Far Horizons giới thiệu chuyến thám hiểm dẫn đầu bởi Meriwether Lewis, William Clark nhằm khám phá vùng phía Tây Bắc Mỹ. Suốt hành trình, hai người họ đồng hành với nữ thổ dân Shoshone tên Sacagawea đóng vai trò như hướng dẫn lẫn phiên dịch viên.

Bất ngờ thay, The Far Horizons cho thấy giữa Clark và Sacagawea nảy nở tình cảm sâu đậm. Không có gì chứng tỏ điều này ở ghi chép lịch sử, vì Sacagawea thực sự kết hôn cùng nhà thám hiểm người Canada lai Pháp tên Toussaint Charbonneau. Toussaint Charbonneau tuy được đề cao trong phim nhưng cuộc hôn nhân của họ bị bỏ qua một cách kì lạ, khó hiểu. Ngoài ra, Sacagawea còn hạ sinh một bé gái trên đường đi.

4. Battle Of The Bulge (1965)

Battle Of The Bulge được trình chiếu nhân dịp kỉ niệm 21 năm chiến tranh thế giới thứ hai, sở hữu dàn diễn viên tên tuổi nên nó nhanh chóng trở thành một hit lớn tại Anh. Thế nhưng, tác phẩm ít chú ý tới sự thật lịch sử. Nó tuyên bố chối bỏ trách nhiệm trong phần credit, rằng các chuỗi sự kiện đã bị sắp xếp lại và tên thật của những nhân vật không được sử dụng.

Ngoài nhiều điểm không nhất quán với dòng thời gian, một số lỗi ngớ ngẩn khác bao gồm việc dùng xe tăng Mỹ mô tả Panzer Đức, quay phim chủ yếu trên địa hình bằng phẳng (Battle of the Bulge chủ yếu diễn ra ở vùng đồi núi Ardennes, do đó yếu tố địa lý cực kì quan trọng) lẫn bỏ quên công sức quân đội Anh trong chiến thắng này. Vì vậy, cựu Tư lệnh Tối cao quân Đồng Minh và Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc đến nỗi ông phải tổ chức họp báo phản đối bộ phim.

5. Rudy (1993)

Từng có thời gian trước đây bóng bầu dục gắn liền mối lo ngại về chấn thương đầu và hàng loạt trận tranh luận dữ dội, bỗng anh chàng Rudy xuất hiện như một nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu người. Cậu sinh viên nhỏ con mắc hội chứng khó đọc Rudy Ruettiger đã chinh phục thành công giấc mơ chơi bóng cùng trường đại học Notre Dame nổi tiếng.

Theo bộ phim, đồng đội Ruby đã gây sức ép lên huấn luyện viên huyền thoại Dan Devine, người chỉ đồng ý đưa anh ta vào sân sau khi các thành viên khác đe dọa không chơi. Hành động đe dọa ấy chưa hề xảy ra ngoài đời, ngược lại, Devine rất ủng hộ Ruby và chính ông đồng ý để anh thi đấu hiệp cuối mà chẳng cần ai thuyết phục.

Bên cạnh đó, những nhân vật được phim hư cấu còn có Kelvin, ông anh trai lớn hay bắt nạt cậu em Ruby và người bảo vệ đáng khích lệ. Joe Montana, thành viên đội bóng Notre Dame đã thi đấu cùng anh trong thực tế chia sẻ rằng tác phẩm điện ảnh Ruby (1993) đã làm sai sự thật. Bản thân Ruby về sau cũng chẳng mấy tốt đẹp gì khi bị truy tố tội gian lận cổ phiếu.

6. The Bridge On The River Kwai (1957)

Dựa theo cuốn tiểu thuyết The Bridge over the River Kwai, bộ phim giới thiệu sự kiện có thật xoay quanh nhóm tù nhân chiến tranh người Anh bị phát xít Nhật ép buộc thi công một cây cầu nhằm tăng cường nỗ lực chống phá quân Đồng Minh. Được đánh giá là tác phẩm kinh điển, The Bridge On The River Kwai nhận 8 đề cử giải thưởng từ Viện Hàn Lâm và thắng đến 7 giải, bao gồm Hình ảnh Xuất sắc nhất, Đạo diễn Xuất sắc nhất, Diễn viên Xuất sắc nhất...

Tuy nhiên, hình tượng những người đàn ông mà bộ phim tái hiện thực sự có vấn đề, đặc biệt với chân dung vị sĩ quan chỉ huy (họ tên thật người này đã được thay đổi). Ông được khắc họa như một kẻ bị niềm kiêu hãnh ám ảnh, luôn chỉ đạo thuộc cấp xây dựng cây cầu tốt nhất, bất chấp hậu quả cho quân Đồng Minh. Thực tế, động lực thúc đẩy ông ta rõ ràng là bảo toàn tính mạng đồng đội mình khỏi bị giết chết hoặc hãm hại bởi bọn bắt giữ. Ông cũng không hề khuyến khích mọi người làm cây cầu thật vững chắc và rất lo sợ công trình hiện tại sẽ tiếp tay viện trợ kẻ thù.

7. Pocahontas (1995)

Nhân vật chính ở bộ phim hoạt hình Disney là cô gái da đỏ thuộc bộ lạc Powhatan mắc kẹt trong mối bất đồng giữa thổ dân bản địa với thực dân Anh. Pocahontas đã thuyết phục cha mình, tù trưởng Powhatan, tha mạng nhà thám hiểm John Smith bằng việc đỡ đòn tấn công cho anh ta. Sau khi phát hành vào năm 1995, tác phẩm trở nên nổi tiếng và giành giải Oscar với ca khúc Colors of the Wind. Pocahontas (1995) miêu tả tình yêu đẹp của cô nàng và Smith; còn sự bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ được giải quyết một cách hòa bình.

Mặc dù Pocahontas hoàn toàn có thể cùng người yêu đến quê nhà anh ta, cô đã chọn ở lại bên cha mình. Theo ghi chép lịch sử, Pocahontas chỉ mới 10 tuổi lúc gặp Smith, còn ông ta lớn hơn cô 17 tuổi. Hai người cũng không hề nảy sinh bất kì chuyện tình cảm nào. Pocahontas cải đạo Kito giáo, lấy chồng tên John Rolfe và có một đứa con trai rồi chuyển sang sinh sống tại Anh. Ngoài ra, các căn bệnh người da trắng đem đến Tân Thế Giới đã quét sạch phần lớn dân số bản địa trước khi giải pháp hòa bình kịp xác lập.

8. Elizabeth: The Golden Age (2007)

Elizabeth: The Golden Age nối tiếp nội dung bản Elizabeth năm 1998, cả hai đều tái hiện chân dung, cuộc đời nữ hoàng Elizabeth đệ nhất. Nhưng trong khi bộ phim đầu tiên đạt thành công lớn, phần hậu truyện lại không may mắn như vậy, dẫu nó đã thắng giải Oscar ở mảng Thiết kế Phục trang và Cate Blanchett nhận đề cử giải Nữ Diễn viên Xuất sắc.

Hàng loạt tình tiết hư cấu đầy rẫy khắp Elizabeth: The Golden Age. Đơn cử nhiều người cố gắng thuyết phục nữ hoàng nhanh chóng lập gia đình để có người kế thừa, mặc dù thời điểm đó bà đã hơn 50 nên rất khó có khả năng sinh con. Còn Walter Raleigh được khắc họa như anh hùng hải quân đã lãnh đạo trận thủy chiến chống lại Tây Ban Nha, nhưng sự thật thì Raleigh được tin là vẫn đang ở vùng Devon nước Anh lúc xung đột diễn ra. Tương tự, bộ phim cho thấy nữ hoàng uy nghi cưỡi ngựa đi cùng đoàn quân rồi hăng hái hô hào bài diễn thuyết Tilbury Speech nổi danh. Thực tế, Elizabeth đã phát biểu bài nói trước khi binh lính hành quân xuất trận.

9. Alexander (2004)

Đứa con tinh thần từ đạo diễn Oliver Stone về Alexander Đại Đế là bom tấn sử thi thất bại tại phòng vé năm đó. Nhiều cây viết phê bình chỉ trích tác phẩm quá giống thể loại phim tài liệu, thiếu vắng hẳn các trường đoạn chiến đấu bi tráng, mãn nhãn. Giống Elizabeth: The Golden Age, Alexander (2004) cũng chứa đựng vô vàn thông tin thiếu chính xác.

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất chính xoay quanh thực lực quân đội Ba Tư. Đây là một binh đoàn thiện chiến từng khiến Alexander phải mất rất nhiều thời gian lẫn công sức mới khuất phục nổi. Bộ phim phản ánh kỵ binh Ba Tư chẳng khác gì đạo quân vô kỷ luật, dễ dàng bị đánh bại chỉ sau một trận đánh.

Các ý kiến khác thì đặt vấn đề liên quan tới người vợ đầu tiên tên Roxanne của Alexdander, cụ thể là về sắc tộc nhân vật này theo tài liệu sử sách so với sắc tộc của nữ diễn viên Rosario Dawson. Đồng thời, tác phẩm điện ảnh miêu tả cô nàng sở hữu nét đẹp quyến rũ, hoang dã hơn hình tượng người phụ nữ đáng ngưỡng mộ.

10. U-571 (2000)

Nội dung U-571 phần lớn lấy cảm hứng từ Operation Primrose, chiến dịch hải quân dẫn đến việc hóa giải thành công mật mã Enigma thời kì thế chiến thứ hai. Những thủy thủ trong phim là người Mỹ, nhưng trên thực tế, họ là người Anh và sứ mệnh này diễn ra trước khi Hoa Kỳ tuyên bố tham chiến. Thủ tướng Anh Tony Blair cùng các thành viên Quốc hội đã kịch liệt phản đối tác phẩm. Tuy nhiên, U-571 vẫn nhận được đánh giá tốt bởi giới phê bình, thắng một giải Oscar và được đề cử cho nhiều giải thưởng khác.

U-571 khiến nhiều người tự hỏi nếu Universal muốn thực hiện tác phẩm điện ảnh về hải quân Hoa Kỳ, tại sao họ không làm phim về một câu chuyện có thật đậm chất chủ nghĩa anh hùng Mỹ quốc mà lại đi "ăn cắp" ý tưởng của người khác? Chắc hẳn họ không nghĩ rằng khán giả tại xứ sở cờ hoa sẽ bị kích động bằng một bộ phim chiến tranh không theo góc nhìn phía người Mỹ.

 
Theo kenh14

 

 
 

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới