Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi nền công nghiệp điện ảnh như thế nào

557
0

Công nghệ số đã và đang "bắt rễ" trong cuộc sống của tất cả chúng ta. Điện thoại di động, Facebook, Instagram… gần như đã trở thành những thứ bất li thân của loài người thời hiện đại. Thay vì tưởng tượng và ly kỳ hóa công nghệ như những gì màn ảnh từng làm trong thời kỳ mà internet còn chưa phát triển (The Matrix, 2001: A Space Odyssey... ), ngày nay dường như điện ảnh đang phải "hụt hơi" để đuổi theo sự tiến bộ nhanh như vũ bão của công nghệ. 

Hãy cùng điểm sơ qua hành trình phát triển của công nghệ số trên màn ảnh, để nhận ra chúng ta đang tiến xa đến đâu, đã bỏ lỡ mất điều gì và sắp sửa đối mặt với viễn cảnh nào trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

1. Internet và chất gây nghiện mang tên "mạng xã hội"

The Social Network (Mạng Xã Hội, 2010)

Tài năng của biên kịch Aaron Sorkin kết hợp với khả năng đạo diễn bậc thầy của David Fincher sẽ đem đến cho bạn sự hình dung đầy đủ, chi tiết về quá trình hình thành nên mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay: Facebook.

Facebook và hành trình trở thành thế giới ảo của hàng triệu người.
 

Với Jesse Eisenberg trong vai Mark Zuckerberg, bộ phim đã rất thành công trong việc mượn hình ảnh của nhà tỉ phú trẻ tuổi trong buổi đầu khởi nghiệp để nói về cách thức giao tiếp cũng như sự xa cách của con người trong thời hiện đại.

Trust (Chân Dung Kẻ Thủ Ác, 2010)

Vào thời kì mà Yahoo và các chat room đang hưng thịnh, cô thiếu nữ 14 tuổi Annie Cameron (Liana Liberto) đã gặp gỡ và làm quen với một người đàn ông có tên gọi Charlie. Sau hai tháng tán tình trực tuyến, Annie bị Charlie cưỡng hiếp và tống tiền khi họ gặp nhau một lần duy nhất ngoài đời thật. Cha của Annie (Clive Owen) quyết định săn lùng kẻ đã hãm hại con gái mình.

Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng bị kéo giãn hơn trong thời đại công nghệ số.
 

Dù bối cảnh khá "lạc hậu" so với thời nay nhưng Trust vẫn là một câu chuyện giật gân, kịch tính mang đầy tính thời sự. Phim đã chỉ rõ một vấn đề: internet giúp chúng ta kết nối với nhau dễ dàng hơn nhưng vìnó, con người cũng dễ bị thao túng, điều khiển hơn rất nhiều. Ngoài ra, Trust cũng cho thấy khoảng cách cách thế hệ trước sự xâm thực của internet. Những đứa con chìm đắm trên mạng ảo, còn các ông bố bà mẹ thì lại hoàn toàn mù tịt trước những gì diễn ra trong thế giới ấy.

Friend Request (Lời Mời Kết Bạn, 2017)

Trong xã hội hiện nay, chỉ cần một cú click chuột hay đơn giản là một "lời mời kết bạn" cũng đủ khiến cho cuộc đời của chúng ta bị hủy hoại. Laura – một hotgirl facebooker chấp nhận lời kết bạn của cô nàng tự ti Marina vì sự thương hại, họ trở thành những người bạn ảo trên mạng. Nhưng khi Laura nhấn nút unfriend, thì mọi chuyện nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng ngoài đời thật. Không phủ nhận Facebook là một thế giới rất thú vị nhưng có đôi khi, nó lại là nơi dễ làm nảy sinh rất nhiều sự sợ hãi và oán hận.

Những thứ vẩn vơ trên mạng có thể "lấy mạng" của chính bạn và người quen.
 

Ingrid Goes West (Hành Trình Của Ingrid, 2017)

Ingrid (Aubrey Plaza) tin rằng những người bạn trên Instagram của cô đều là những người bạn thật sự. Càng sống ảo, chúng ta lại càng dễ dàng mắc căn bệnh ngộ nhận, cho rằng những trái tim và lời ngọt ngào trên Instagram là chân tình. Nhưng đó không phải là cuộc đời thật, và tình bạn ảo cũng hiếm khi trở thành tình bạn thật.

Trở thành một ngôi sao trên mạng xã hội có thực sự vui?
 

Ingrid Goes West có cách tiếp cận thông minh, hài hước về cơn nghiện mạng xã hội. Sau khi ngắm nhìn hàng đống bức ảnh hoàn hảo về ánh hoàng hôn của người khác, liệu bạn có bao giờ tự hỏi: Đâu là ánh hoàng hôn của chính bạn?

2. Sự "xâm thực" của công nghệ vào đời sống

Her (Hạnh Phúc Ảo, 2013)

Trong thế giới tương lai của Spike Jonze, con người không cần động tay động chân vào bất cứ việc gì. Mọi việc đã có trí thông minh nhân tạo đảm nhận. Anh chàng Theodore không cần bàn phím để gõ chữ, cũng chẳng cần đích thân bật mở các thiết bị điện. Anh ta chỉ ngồi đó, lên tiếng và cô nàng Samatha với chất giọng mĩ miều sẽ kích hoạt mọi thứ chỉ trong vài giây.

Cách giải quyết nỗi cô đơn trong thời đại công nghê:, hãy tìm cho mình một cô nàng Siri!
 

Thậm chí, nếu bạn quá lười giao tiếp xã hội nhưng vẫn cần một cô bạn gái để chia sẻ chuyện yêu đương và giải tỏa sinh lí, thì Samatha cũng có thể đáp ứng. Chỉ có điều, Samatha không phải là của riêng Theodore. Cô là của chung của xã hội loài người – giống loài đang bị chính phát minh của mình biến thành nô lệ.

Status Update (Ứng Dụng Vi Diệu, 2018)

Nâng cấp từ loạt ứng dụng Camera 360 với tác dụng "tân trang nhan sắc" trong các bức hình sống ảo, đạo diễn Scott Speer và biên kịch Jason Fidarli (17 Again) đã cùng nhau "tạo" ra một ứng dụng có khả năng thần kì: biến những khao khát trên mạng xã hội của bạn trở thành sự thật.

Bạn đã tải về ứng dụng "Trở thành người hào hảo" hay chưa?
 

Ngày xưa, chúng ta chỉ dám ước mơ qua những ngọn nến của chiếc bánh sinh nhật (và chẳng biết nó có thành công hay không). Ngày nay thì khác, chúng ta bày tỏ điều ước qua màn hình điện thoại hoặc máy tính. Và sự thần kỳ của công nghệ sẽ lo chuyện còn lại. Vấn đề chỉ là, hãy cẩn thận với lòng tham của chính mình.

 "Status Update" (Ứng Dụng Vi Diệu) được dự kiến ra mắt vào ngày 6/4 tại các rạp toàn quốc.
 

The Emoji Movie (Đội Quân Cảm Xúc, 2017)

Bộ phim hoạt hình này bị khán giả ở khu vực Bắc Mỹ chê bai vì họ cảm thấy thật ngớ ngẩn khi phải quan tâm, bận lòng đến chuyện đám biểu tượng cảm xúc trong điện thoại nghĩ gì. Nhưng có thể, The Emoji Movie bị ghét (và nhận hàng đống đề cử Mâm xôi Vàng) chỉ vì nó phản ánh thực tế quá chân thật.

 

Bên cạnh việc xâm nhập, khám phá thế giới ứng dụng phong phú bên trong chiếc di động nhỏ bé, The Emoji Movie còn khắc họa cách mà con người chúng ta đang giao tiếp với nhau trong hiện tại. Cậu bé loài người – chủ nhân của chiếc điện thoại "trở chứng" đã gặp vô vàn tình huống dở khóc dở cười chỉ vì một ngày nọ, những biểu tượng cảm xúc quyết định… không làm theo cảm xúc mà nó đại diện nữa. Hãy nghĩ xem, nếu một ngày đám ứng dụng ấy thật sự đình công, thì chúng ta cũng gặp rắc rối chẳng kém gì cậu nhóc trong phim.

3. Làm phim chỉ bằng…iPhone

Chiếc điện thoại nhỏ bé giờ đây dường như đã trở thành "chiếc túi Doraemon" thần kì mà ai cũng dễ dàng sở hữu. Mọi thiết bị tiện ích đơn lẻ trước đó như máy ảnh, máy tính, tivi… đã được thâu tóm và tích hợp trong một sản phẩm công nghệ duy nhất. Thậm chí, bạn cũng có thể làm nên một bộ phim ra trò chỉ với chiếc iphone quen thuộc.

Hậu trường "Unsane" (Kinh Hoàng) với chiếc máy quay iPhone 7Plus.
 

Đạo diễn Steven Soderbergh (Logan Lucky, Magic Mike) vừa ra mắt bộ phim hồi hộp, kinh dị có tên gọi Unsane. Phim gây chú ý khi được ghi hình hoàn toàn bằng một chiếc iPhone 7 plus. Trước đó, Sean Baker cũng từng gây tiếng vang với phim độc lập Tangerine - một tác phẩm được thực hiện chỉ bằng iPhone 5S.

 
"Tangerine" với những chiếc máy quay iPhone 5S.
 

Tiến bộ công nghệ đã giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Và với các nhà làm phim, công nghệ đã giúp họ hiện thực hóa những ý tưởng nghệ thuật với cái giá rẻ hơn rất nhiều.

4. Thế giới thật và ảo hòa quyện vào nhau

Tron 1 & 2

Bộ phim kinh điển của đạo diễn Steven Liseberger đã truyền cảm hứng cho cả thế giới vào thập niên 80 và cho thấy những tiềm năng của công nghệ trong cuộc sống của con người. Nam diễn viên Jeff Bridge vào vai Kevin - một chuyên viên lập trình được đưa vào thế giới phần mềm bên trong những chiếc máy tính khô khan. Và rồi chính ông cũng bị mắc kẹt trong cái thế giới ảo đầy quyền năng ấy.

 

Năm 2010, phần 2 của phim mang tựa đề Tron: Legacy tiếp tục hành trình khám phá thế giới bên trong internet thông qua cuộc tìm kiếm và giải cứu người cha bị mất tích của cậu con trai.

Nerve (Liều Mạng, 2016)

Cô nàng Venus (Emma Robert) quyết định tham gia một trò chơi trực tuyến có tên gọi "Nerve". Khi trở thành "người chơi", Venus phải chấp nhận những thách thức đặt ra để hoàn thành phần thi. Nhưng càng đi sâu, cô gái trẻ càng nhận ra trò chơi công nghệ này ẩn chứa nhiều thử thách nguy hiểm hơn những gì mà cô từng hình dung.

Hãy cẩn trọng khi tham gia những trò chơi và thế giới trực tuyến.
 

Bộ phim kịch tính, hồi hộp phủ đầy màu sắc neon này phản ánh rất đa dạng những rủi ro mà quyền năng vô hạn của internet đem lại. Khi đó, ngay cả người tỉnh táo nhất cũng không thể phân biệt được đâu là ảo, đâu là thực tế.

Ready Player One (Ready Player One: Đấu Trường Ảo, 2018)

Đạo diễn Steven Spielberg đã rất tài tình khi tái hiện lại cả một thế giới "hoài niệm" cho thế hệ khán giả 8X, 9X qua những biểu tượng văn hóa kinh điển từ game, phim ảnh, âm nhạc… Mặt khác, ông cũng dự báo về một thế giới tương lai, nơi mà công nghệ thực tế ảo (virtual reality) trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu của loài người. Nhưng đừng quên một sự thật, rằng thế giới ảo đẹp đẽ ấy cũng chỉ là chiếc vỏ ốc để thế hệ tuyệt vọng của năm 2045 chui vào nhằm trốn tránh thực tại tồi tệ.

Thế giới VR mà chúng ta đang hướng đến trong tương lai gần.
 

Các tiến bộ công nghệ và khoa học đã và đang len lỏi vào cuộc sống của mỗi con người trong thế kỉ 21. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực và tiện lợi, thế giới mà công nghệ số đem lại cũng tiềm ẩn những rủi ro mà không ai có thể hình dung một cách đầy đủ.

Liệu rằng có một lúc nào đó, chúng ta lại trở thành nô lệ cho những phát minh của chính mình? Với những gì mà điện ảnh đã và đang cố cảnh báo, cùng với sự bành trướng của Facebook, Instgram… đang diễn ra hằng ngày, e rằng ngày đó sẽ không còn ở xa, nếu chúng ta không thật sự tỉnh táo và thay đổi chính bản thân mình.

 

Theo kenh14

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới