Review La La Land: Phá vỡ định kiến, thách thức giới hạn, bùng nổ ước mơ
Với cốt truyện không hoàn toàn mới và có thể dễ dàng bắt gặp trong rất nhiều bộ phim của Hollywood, tuy nhiên La La Land đặc biệt ở chỗ đã làm nổi bật câu chuyện của mình bằng một thể loại điện ảnh mà đã từ rất lâu rồi các nhà làm phim hầu như không ai để ý đến nữa.
Là tác phẩm nhạc kịch lãng mạn của dòng phim ca vũ nhạc cổ điển, La La Land đánh dấu sự tái hợp “ngọt như mía lùi” của Ryan Gosling và Emma Stone cùng những khoảnh khắc bay bổng, mộng ảo trên nền bối cảnh của Los Angeles đương đại. Đạo diễn tài năng sinh năm 1985 Damien Chazelle đã tạo ra một La La Land đậm chất nhạc kịch truyền thống Hollywood như một đối thủ vô cùng đáng gờm tại Oscar 2017.
Trailer phim La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ)
Ngay từ những phút đầu phim, khi người xem chưa cần biết diễn biến câu chuyện như thế nào thì La La Land đã có một màn trình diễn vô cùng hoành tráng ngay trên đường phố Los Angeles. Trong khung cảnh của một vụ kẹt xe kinh điển, những tưởng sẽ chỉ có những lời chì chiết cùng những tiếng kèn bóp lên inh ỏi thì một người, rồi hai người, ba người, và cuối cùng là cả một đoàn người cùng nhau hát vang ca khúc Another Day of Sun với phần biểu diễn cũng kinh điển không kém. Cả Los Angeles sôi động hẳn lên, như một sân khấu ngoài trời khiến người xem có cảm tưởng như tất cả định kiến bị phá vỡ và con người được giải phóng hoàn toàn thoát khỏi những giới hạn của bản thân.
Màn trình diễn “thách thức mọi giới hạn”
Tiếp đó, chuyện phim chính thức bắt đầu, xoay quanh Mia (Emma Stone) – nữ diễn viên mới nổi nhưng đầy tham vọng cùng Sebastian (Ryan Gosling) - chàng nhạc công piano với giấc mộng về một thứ nhạc jazz đích thực. Hai kẻ khờ mộng mơ gặp nhau, xung đột nhau và rồi yêu nhau để cùng tạo nên một thứ tình yêu đậm chất nhạc, cùng nhau nâng đỡ, dẫn lối cho nhau đến bước đường thành công. Nhưng giữa chốn Hollywood xa hoa lộng lẫy như thế, họ phải đối mặt với những thách thức nào và liệu có nguy cơ của sự tan vỡ?
Nói một cách đơn giản, La La Land thực sự làm rất tốt về mặt âm nhạc, vũ đạo và cả hình ảnh, trang phục. Khỏi phải nói về mức độ ngọt ngào giữa Emma và Ryan trong phim bởi sự kết hợp không thể chuẩn hơn giữa họ. Mỗi người một giấc mơ, một khát vọng, nhưng ở họ dường như có một điểm chung nào đó khiến đối phương có thể tự tìm đến mà không cần phải mò mẫm trong đám đông xô bồ. Mia bị hút về phía Sebastian bởi tiếng đàn piano như ma như mị, còn Sebastian bị hút về phía Mia bởi sức sống cùng sự táo bạo của cô. Và một cách rất tự nhiên, cả hai bước về phía nhau. Phim có một chi tiết rất hay ở gần cuối, khi đưa ra một lựa chọn khác cho cả hai, rằng “nếu ngày ấy em không đi về phía anh” hay “nếu ngày ấy anh chạy ngay về phía em” thì kết quả liệu có khác đi chăng?
Tràn ngập xuyên suốt phim là những ca khúc gây nghiện mà đặc biệt là City of Stars cứ liên tục được hát đi hát lại qua giọng ca của chính Ryan và Emma. Như bốn mùa Đông, Xuân, Hạ, Thu rồi lại Đông, City of Stars cũng vĩnh cửu như vậy. Los Angeles vẫn luôn là thành phố của những ngôi sao, nơi khơi dậy ước mơ của những người biết mơ ước đồng thời nuôi dưỡng, đạp đổ và làm bùng nổ ước mơ của họ khi cần. Cả Mia lẫn Sebastian đều phải trải qua những thời khắc từ cay đắng, nhục nhã, thất vọng đến thỏa hiệp, thậm chí là bỏ cuộc để rồi lại hồi sinh và quyết tâm phấn đấu vươn đến vinh quang. Nhưng như cuộc đời vẫn luôn công bằng, được cái này thì mất cái kia, để đạt được ước mơ của mình, cả hai đã phải đánh đổi thậm chí là trả giá mà đôi khi là quá đắt.
Trên bước đường thực hiện ước mơ, đôi lúc cần phải thỏa hiệp với thứ không phải là giấc mơ
Nghiêm túc mà nói, có thể cái kết của La La Land khiến nhiều người thất vọng. Tuy nhiên, trên hết vẫn là sự hợp lý. Đạo diễn vẫn có thể chọn ra một cái kết khác, nhưng nếu như thế thì diễn biến phim từ đầu sẽ phải khác. Và liệu rằng chúng ta có thích hơn một kịch bản khác ngay từ đầu?
Một người từng không thích jazz…
Nhưng lại có thể nhảy và khiêu vũ một cách trọn vẹn trên nền nhạc jazz
Thật quá khó để đánh giá một bộ phim đậm chất nghệ sĩ như La La Land. Cái không khí phim tràn ngập “mùi” cổ điển, như một sự hoài vọng về một cái gì đó đã cũ nhưng còn mãi với thời gian. Như những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới như Everyone Says I Love You của Woody Allen, hay Francis One from the Heart của Ford Coppola,… ngày nay vẫn còn âm hưởng, La La Land đủ sức để khiến người xem nhớ mãi đến tận sau này. Cảm giác về một cái nhìn thăm thẳm sâu vời vợi đầy thấu hiểu giữa Mia và Sebastian chắc chắn sẽ còn vương mãi trong đầu óc của người xem như một tiếng vọng đầy âm hưởng giữa chốn xô bồ đầy bất ổn như kinh đô điện ảnh thế giới, rằng ở đâu đó trong thế giới này vẫn còn những người sống chết với thứ đam mê thuần khiết, với giấc mơ về một nghệ thuật đích thực.
Hãy cứ mộng mơ, dù dại khờ! Những kẻ ngốc rồi sẽ phải chết, nhưng những người dại khờ vẫn cứ được yêu.
Phim chính thức khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 16/12/2016.
123Phim
http://www.123phim.vn/review/5072-la-la-land-pha-vo-dinh-kien-thach-thuc-gioi-han-bung-no-uoc-mo.html
Bình luận