Review Đại ca học đường: Phim dành cho ai đang và đã từng là học sinh
Nhân vật chính trong phim là cậu bé có cái tên cực khó đọc Rafe Khatchadorian (Griffin Gluck). Rafe có tài năng thiên bẩm về mỹ thuật nhưng lại không hòa nhập tốt với bạn bè và đã phải chuyển trường vài lần. Tại ngôi trường mới Hills Village, “kẻ thù” của cậu không chỉ có bọn bắt nạt mà còn cả những nội quy khắt khe của thầy hiệu trưởng Dwight (Andy Daly). Đến một ngày, Rafe và anh bạn tinh nghịch Leo (Thomas Barbusca) quyết định phải đứng lên chống lại sự áp bức ở trường. Tuyến chuyện phụ xoay quanh mối quan hệ giữa mẹ Rafe (Lauren Graham) và gã Carl xấu tính (Rob Riggle), người luôn rắp tâm loại bỏ Rafe và em gái khỏi gia đình.
Mô-típ phim học đường không mới nhưng qua tay đạo diễn Steve Carr trở thành một câu chuyện cảm xúc, giàu ý nghĩa. Ngay từ những thước phim đầu tiên, những ai từng một thời “thấp cổ bé họng” ở trường học sẽ nhanh chóng đồng cảm với Rafe. Cậu luôn bị chèn ép, coi thường bởi các bạn học, trong khi mẹ Rafe không thấu hiểu niềm đam mê vẽ vời “vô bổ” của cậu. Rafe chỉ còn cách rút vào một thế giới riêng, nơi cậu tưởng tượng những nhân vật mình vẽ đều có thật và chuyện trò với chúng.
Ngôi trường nơi Rafe học đại diện cho những thực trạng đáng buồn của học đường. Các giáo viên mắc “bệnh thành tích” mà không quan tâm đến học sinh. Lớp của Rafe - nơi có một ông thầy đàng hoàng và biết truyền cảm hứng nhất - mỉa mai thay lại có điểm số thấp nhất và bị xem là “cục nợ” của trường. Dưới sự lãnh đạo của hiệu trưởng Dwight, những sự khác biệt đều không được chấp nhận, thay vào đó ban giám hiệu chỉ muốn có các đứa trẻ thật “ngoan” và dễ bảo. Bản nội quy hàng chục điều thể hiện ý muốn gò ép học sinh vào một khuôn khổ vô lý.
Đỉnh điểm là khi thầy hiệu trưởng phá hủy cuốn sổ chứa đầy những hình vẽ quý giá của Rafe. Từ đó, cậu cùng Leo bắt đầu một chiến dịch chống lại các nội quy. Đây cũng là phần hài hước nhất phim nhờ các màn nghịch ngợm đúng kiểu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Khán giả sẽ phải gật gù với những chiêu thức “độc và lạ” như bôi màu vào nón thầy hiệu trưởng, nhét bóng đầy phòng hay thậm chí biến tủ đựng cúp của trường thành… bể cá. Có ai thời đi học chưa một lần muốn nổi loạn, muốn quậy tưng mọi thứ để chứng tỏ ta đây? Những cảm xúc trong trẻo đó một lần nữa lại quay về khi thưởng thức The Worst Years of My Life.
Ẩn sau những trò nghịch phá, bộ phim hàm chứa thông điệp về tình bạn, tình gia đình và thay đổi cách giáo dục. Thắng lợi cuối cùng của cậu bé Rafe cũng là tiếng lòng của bao thế hệ học sinh đang phải vật lộn hàng ngày. Sau tất cả, trường trung học không nên là nơi “nhồi nhét” kiến thức mà phải biết cách tạo hứng khởi cho thiếu niên. Việc giáo dục để học sinh có khả năng sáng tạo và tư duy quan trọng hơn nhiều so với những điểm số vô nghĩa trên giấy.
Middle School: The Worst Years of My Life có thời lượng ngắn (92 phút) và nhịp độ nhanh. Đan xen giữa bối cảnh đời thực là các trường đoạn hoạt hình ngộ nghĩnh do Rafe tưởng tượng ra. Chúng mang lại trải nghiệm thú vị cho khán giả gần giống như bộ phim Scott Pilgrim vs. the World năm 2010. Toàn thể tác phẩm toát lên sự trong trẻo, nhẹ nhàng, đưa ra thông điệp mà không lên gân. Bên cạnh đó, một bất ngờ lớn được cài cắm ở gần cuối phim lý giải nhiều tình huống trước đó và khiến khán giả xúc động.
Trong vai chính, Griffin Gluck thể hiện được hình ảnh một cậu bé tài năng, nổi loạn nhưng giàu tình cảm. Cậu có những màn tung hứng, đối đáp thú vị cùng Thomas Barbusca trong vai Leo. Sự ăn ý của cặp đôi diễn viên nhí này là nền tảng của cả bộ phim. Trong khi đó, Andy Daly diễn tròn vai hiệu trưởng Dwight hắc ám và có phần kệch cỡm. Hình ảnh của ông ta khiến khán giả cảm thấy đáng ghét, nhưng cũng không khỏi bật cười mỗi lần Dwight “gặp nạn”. Ngoài ra khán giả cũng sẽ ấn tượng với nhân vật cô em “cực ngầu” của Rafe, biết lái cả xe hơi và có những “ý tưởng” nghịch phá còn hơn cả anh mình.
Điểm trừ của phim nằm ở đôi chỗ, các tình huống diễn ra khá “trẻ con” và vô lý. Rafe nhiều lần dễ dàng lẻn vào trường để ra tay mà không bị ai phát hiện. Nhiều kế hoạch của cậu cực kì quy mô đến nỗi khó tin là có thể thực hiện chỉ trong một hay vài đêm. Trong khi đó, cách giải quyết các nút thắt của phim còn quá đơn giản. Mặc dù vậy, đây có lẽ là dụng ý của biên kịch khi đặt câu chuyện ở sự nhẹ nhàng, đẹp đẽ dù có hơi lý tưởng hóa một chút.
Phim khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 21 tháng 10 với tên gọi Đại Ca Học Đường.
Phim 123
Bình luận