Phong cách độc đáo của 5 quý ông quái kiệt ngành điện ảnh không lẫn vào đâu được
Quan điểm về việc điện ảnh là sản phẩm cá nhân của người làm phim đã gây tranh cãi suốt từ năm 1954 kể từ khi nhà làm phim người Pháp François Truffaut nêu ra ý tưởng về đạo diễn cũng là một auteur (tác giả) trong bối cảnh điện ảnh thời đó là các tác phẩm cải biên. Đối với Truffaut và nhiều người thì chỉ có những bộ phim mà ở đó đạo diễn có quyền kiểm soát và sáng tạo hoàn toàn mới xứng đáng được tôn vinh.
Tuy cấp tiến như vậy, nhưng quan điểm này đã hạn chế đóng góp của rất nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp phim, đặc biệt là những đạo diễn không đồng thời đảm trách vị trí biên kịch. Rất khó để khẳng định một đạo diễn là người có công nhất trong việc tạo nên thành công của một bộ phim, nhất là khi nền điện ảnh đã phát triển đến cao trào như hiện nay. Tuy nhiên nhắc đến phong cách riêng, vẫn có những con người mà tầm nhìn độc đáo đến mức mỗi khi nhắc tới ta có thể hình dung ra ngay các tác phẩm mang dấu ấn của họ. Hãy cùng điểm lại 7 nhà làm phim có phong cách độc nhất vô nhị nhất nhì màn ảnh.
1. Wes Anderson
Khi nhắc tới sự tách biệt về phong cách làm phim đương đại thật khó để không nhắc tới Wes Anderson với bộ ba Moonrise Kingdom, The Royal Tenenbaums và The Grand Budapest Hotel.
Phim của Wes Anderson luôn có sự thống nhất trong cách diễn họa với bảng màu độc đáo, các chi tiết được thiết lập với bố cục đối xứng, những đường thẳng, góc quay từ trên cao và rất nhiều màn chuyển cảnh đột ngột bằng cách đấm vào mặt nhau hoặc bỏ chạy. Khi nói về khung hình, trong khi các nhà làm phim thông thường chọn cách tránh việc quay trực diện vào đối tượng để tránh việc cảnh phim mất đi tính "nổi" thì sản phẩm của Wes Anderson lại đem lại cảm giác như một bức tranh hoài cổ tĩnh vật rất đặc trưng.
Chỉ với 13 tác phẩm ngắn dài và đều là phim độc lập, thế mà Wes Anderson đã tạo được vị thế khiến người trong nghề phải gọi vũ trụ mà ông tạo ra là "thế giới của Wes". Một số đặc điểm khác có thể được nhận dạng từ phim của Wes Anderson là những câu chuyện buồn nối tiếp nhau, những gia đình không yên ấm, mất mát của các thành viên, anh em, bạn bè, được phủ một lớp hài hước như kẹo ngọt khiến ta chẳng còn biết nên thả icon "haha" hay "sad" nữa.
Bộ phim mới nhất mà Wes Anderson trình làng sẽ là Isle of Dogs (Đảo Chó) - tác phẩm về những chú chó trên hòn đảo bỏ hoang và hành trình tìm lại người bạn bốn chân của một cậu bé sẽ được ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 1/6 tới đây.
2. Martin Scorsese
Với ngót nghét 80 tác phẩm sở hữu trong tay, Martin Scorsese thuộc thế hệ những nhà làm phim "khủng" nhất với khả năng sáng tạo vô biên và dấu ấn cá nhân khá rõ ràng đặc biệt trong thể loại phim tội phạm.
Các phim của ông thường xoay quanh chủ đề khuất lấp của xã hội, nơi cái xấu và cái tốt tồn tại nhá nhem trong thế giới ngầm và rất thường xuyên, bị bạo lực và đồng tiền khống chế. Nói về phong cách của Scorsese có thể dễ nhận ra các phim của ông thường sử dụng những cú máy dài (long tracking shot), các cảnh quay chậm (slow-motion) và sử dụng âm nhạc khéo léo.
Kể từ tác phẩm đầu tay Who’s That Knocking at My Door (1967), slow-motion đã được sử dụng để nhấn mạnh chi tiết phim, trong khi cảnh máy theo chủ đề tracking shot làm giảm nhẹ biên độ của khoảnh khắc trong phim và khắc họa thực tế như trong Taxi Driver hay Goodfellas.
Dự án sắp tới của quái kiệt này cũng rất được quan tâm là The Irishman, bộ phim đốt tiền của Netflix lên tới 140 triệu đô la với dàn diễn viên toàn sao: Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci, Anna Paquin... được ấn định ra mắt vào năm 2019.
3. Tim Burton
Nhà làm phim này có phong cách thị giác lập dị giống như con người ông ngoài đời vậy. Đi lên từ nghề họa sĩ tại xưởng hoạt họa Disney, Tim Burton chấm phá cho nền công nghiệp điện ảnh những mảng màu tối tăm nơi nghệ thuật gothic châu Âu và sự hào nhoáng của nước Mỹ thế kỷ 19 gặp gỡ. Phim của ông thường là tấm tự sự của những con người cô độc, bị xa lánh và hành trình đi tìm lại tình yêu của họ.
Với bối cảnh phim được thiết kế chi tiết, Tim Burton đã rất hào phóng trong việc sử dụng các cú máy từ trên cao xuống, cùng với đó là phần tạo hình nhân vật có nét ma quái và bố cục hình ảnh trong phim phảng phất hơi hướng chủ nghĩa biểu hiện Đức.
4. Quentin Tarantino
Tarantino được nhiều người coi là đạo diễn đương đại tài năng bậc nhất màn ảnh, là người mà phim của ông là không thể nhầm lẫn. Vị đạo diễn quái chiêu này cũng là tác giả của những khung hình được sinh viên điện ảnh đem ra mổ xẻ kỹ lưỡng vì sự dụng công trong cách thể hiện, tác giả của phong cách đối thoại thông minh trong điện ảnh, của phong cách làm phim phi tuyến tính khéo léo khiến người ta phải căng mắt dõi theo.
Nhắc đến phim của Quentin Tarantino thì không khó để liên tưởng ngay đến hành trình đòi nợ máu, bắt cóc con tin, tống tiền, tóm lại là những phi vụ sặc mùi bạo lực, máu me mà sẽ kết thúc bằng một màn thăng hoa đỉnh cao. Bằng cách vận dụng nhuần nhuyễn các yếu tố âm nhạc, hình ảnh, màu sắc, bố cục và cả các yếu tố học hỏi từ điện ảnh quá khứ, trong nước và ngoài nước Quentin Tarantino tạo nên những thước phim bậc thầy với phong cách có một không hai.
Thú vị hơn, các nhân vật trong phim của Tarantino lại liên kết với nhau dưới tầm nhìn của ông để tạo nên thứ gọi là vũ trụ Quentin Tarantino, ví dụ như Kill Bill và Jackie Brown là các phim meta, tức phim nằm trong phim hay Vince Vega trong Pulp Fiction và Vic Vega trong Reservoir Dogs là anh em.
Vũ trụ điện ảnh Marvel và DC cũng phải "gớm mặt" vũ trụ Quentin Tarantino
5. Zack Snyder
Slow-motion, slow-motion và nhiều slow-motion hơn? Đó không chỉ là thứ duy nhất được nhắc đến khi nói tới phim của Zack Snyder. Anh có thể không phải là tác giả của nhiều phim hay nhất nhưng dấu ấn mà nhà làm phim này để lại thì không thể chối cãi. Tính duy mỹ của Snyder thể hiện trong các khung hình đẫm màu sử thi ("This Is Sparta!") và thông điệp về lịch sử, quyền lực và đức tin tôn giáo hòa trộn.
Watchmen được coi là kiệt tác của dòng phim siêu anh hùng khi bỏ qua tính giải trí phục vụ fanboy để khắc họa một thế giới nơi siêu anh hùng bị đày đọa, chịu tổn thương cả về thể xác lẫn tâm lý trong một xã hội loạn lạc. Ở đó, nhân vật trung tâm được coi là "thần thánh" Doctor Manhattan luôn trăn trở về điều gì thực sự tốt cho thế giới và rốt cuộc bản chất của con người là gì. Trước Thanos trong Infinity War, Ozymandias của Watchmen cũng từng thực hiện kế hoạch giết người hàng loạt để ngăn chặn thảm họa toàn cầu, lập ra thứ hòa bình giả tạo. Bộ phim kết thúc để lại quá nhiều thông điệp có giá trị tới tận bây giờ.
Với các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, Zack Snyder được coi là bậc thầy của ngành phim ảnh chuyển thể.
Sau những thành công của 300 hay Watchmen, bom tấn được kỳ vọng nhất của DC Batman v Superman: Dawn of Justice gây ra tranh cãi dữ dội khi bộ phim được cho là u tối quá mức cần thiết. Trong khi đó, những ai yêu mến Snyder cho rằng việc bộ phim bị cắt xén quá đà đã khiến ý nghĩa của tác phẩm trở nên không trọn vẹn. Dù gì thì đây vẫn là một trong những đạo diễn đầu tiên khi nhắc tới tính sử thi trong phim đương đại và Zack Snyder xứng đáng nhận được nhiều sự tôn trọng hơn, đặc biệt là sau bi kịch con gái Autumn tự tử năm ngoái.
Theo kenh14
Bình luận