Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Phim về chuyện tình Tổng thống Obama có mặt tại LHP Hà Nội

614
0

“Southside with You” sẽ được trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2016. Phim nằm trong loạt tác phẩm tuy không tranh giải nhưng vẫn rất đáng chờ đợi tại sự kiện diễn ra từ 1-5/11.

Southsie with You (Mỹ): Là tác phẩm đầu tay của đạo diễn kiêm biên kịch Richard Tanne,Southside with You lấy bối cảnh năm 1989, kể lại cuộc hẹn hò đầu tiên giữa ngài Barack Obama với Michelle Robinson, người sau này trở thành vợ ông. Bộ phim được báo chí quốc tế đánh giá là rất lãng mạn và phù hợp cho các đôi khi tới rạp. Thông qua Southside with You, người xem có cơ hội được hiểu hơn về câu chuyện năm xưa của vợ chồng nhà Obama. Ảnh:Miramax.

 

Son of Saul (Hungary): Ra đời năm 2015, bộ phim của đạo diễn László Nemes người Hungary lấy bối cảnh tại trại tập trung Auschwitz trong thời kỳ Thế chiến thứ II, kể lại câu chuyện đau lòng của người cha Saul Ausländer. Đề tài diệt chủng và lên án sự khắc nghiệt của chiến tranh luôn được giới phê bình yêu thích. Hồi đầu năm, Son of Saul liên tiếp giành chiến thắng tại các lễ trao giải thưởng điện ảnh, trong đó có Quả cầu Vàng và Oscar cùng ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Ảnh: Mozinet.

I, Daniel Blake (Anh): Daniel Blake là một thợ làm gỗ 59 tuổi, sống ở vùng Đông Bắc nước Anh. Ông vật lộn với căn bệnh tim và giờ chỉ biết sống nhờ tiền trợ cấp ít ỏi từ chính phủ. Giữa bao rối ren, Blake tình cờ làm quen với bà mẹ đơn thân Katie cùng hai cô con gái, những người cũng đang có những khó khăn riêng. I, Daniel Blake do Ken Loach thực hiện và mới giành giải Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2016 nhờ thành công khắc họa hình ảnh người nghèo khổ trong xã hội Anh hiện đại. Ảnh: eOne.

Wolf Totem (Pháp, Trung Quốc): Dựa trên cuốn tiểu thuyết bán tiểu sử cùng tên của nhà văn Lưu Gia Minh, Wolf Totem là tác phẩm điện ảnh do Pháp và Trung Quốc hợp tác sản xuất, xoay quanh chuyện một sinh viên Trung Quốc được cử tới vùng Nội Mông để dạy người dân chăn cừu trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Có một điều thú vị rằng Jean-Jacques Annaud từng bị cấm đặt chân tới Trung Quốc sau khi thực hiện bộ phim Seven Years in Tibet (1997). Nhưng chính quyền sở tại đã gỡ bỏ lệnh cấm để ông có thể giúp họ thực hiện Wolf Totem. Ảnh: China Film Group.

Louder than Bombs (Na Uy): Tác phẩm tâm lý chính kịch của Na Uy do Joachim Trier, một người họ hàng của đạo diễn nổi tiếng Lars von Trier, thực hiện. Louder than Bombs thu hút dàn sao đa quốc tịch, bao gồm Isabelle Huppert, Jesse Eisenberg, Gabriel Byrne, David Strathairn… Chuyện phim bắt đầu khi một nữ phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng qua đời sau tai nạn giao thông. Chồng cùng hai con trai bà phải tìm cách vượt qua nỗi đau ấy, đồng thời giữ kín những bí mật của riêng bản thân và người quá cố. Ảnh: Memento Films.

Visaranai (Ấn Độ): Tác phẩm điện ảnh Ấn Độ sử dụng tiếng Tamil, do đạo diễn Vetrimaaran thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết Lock Up của M. Chandrakumar và những sự kiện có thật. Visaranai lên án sự tàn bạo và thối nát của hệ thống cảnh sát sở tại, cũng như việc dân chúng mất niềm tin vào công lý ra sao. Từng có mặt tại Liên hoan phim Venice và được nhiều tổ chức nhân quyền khen ngợi, đây chính là tác phẩm đại diện cho Ấn Độ dự tranh Oscar năm nay. Ảnh: Lyca.  

Brand New Testament (Bỉ): Bộ phim hài đen giả tưởng của nước Bỉ do Jaco Van Dormael thực hiện, với ý niệm thú vị rằng Chúa đang sinh sống giữa loài người với nhân dạng là một nhà văn. Ông sống ở một căn hộ tại Brussels với cô con gái Ea và vợ mình. Cảm thấy bất mãn khi cha mình đối xử tàn tệ với loài người, Ea quyết định can thiệp vào công việc của ông, đi tìm tông đồ để viết ra Thánh Kinh mới và gây náo loạn trên Trái đất. The Brand New Testament ra mắt hồi năm 2015 và nhận vô số lời tán dương từ giới phê bình nhờ ý tưởng độc đáo, thú vị. Ảnh: Le Pacte.

Lost Daughter (Đài Loan, Trung Quốc): Lost Daughter là tác phẩm đầu tay của Chen Yu Jie và giúp anh thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại hạng mục dành cho Tài năng trẻ châu Á trong khuôn khổ Liên hoan phim Thượng Hải. Phim xoay quanh bi kịch một gia đình, khi hai cô con gái do cùng đua tài ở bộ môn bơi lội mà không bao giờ chịu chia sẻ với nhau. Khi người cha xa cách bấy lâu trở về và tìm cách dàn hòa, tất cả đã trở nên quá muộn. Ảnh: Outnow.

 

Junction 48 (Israel, Đức, Mỹ): Từng thắng giải do khán giả bình chọn trong chương trình Panorama của Liên hoan phim Berlin 2016, Junction 48 là câu chuyện tình yêu giữa một đôi trẻ người Palestine. Họ sử dụng âm nhạc hip hop để chống lại những áp bức, bất công, qua đó nói lên tiếng lòng của một bộ phận giới trẻ trong xã hội. Phim do đạo diễn Udi Aloni thực hiện. Ảnh:Outnow.

7 Letters (Singapore): Dự án điện ảnh đặc biệt bao gồm 7 phim ngắn, do 7 đạo diễn người Singapore thực hiện nhân dịp đảo quốc sư tử tròn 50 tuổi vào năm 2015. Họ bao gồm Boo Junfeng, Eric Khoo, K. Rajagopal, Jack Neo, Tan Pin Pin, Royston Tan và Kevin Tong. Thông qua tác phẩm, người xem sẽ có cơ hội hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa Singapore. 7 Letters cũng là phim đại diện cho Singapore dự tranh Oscar 2016 nhưng không lọt vào vòng đề cử cuối cùng. Ảnh: Golden Village.

Tuấn Lương

http://news.zing.vn/phim-ve-chuyen-tinh-tong-thong-obama-co-mat-tai-lhp-ha-noi-post689594.html

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới