Những cột mốc doanh thu đáng nhớ cùa làng phim Việt
Khi điện ảnh Việt càng phát triển về lượng phim, về tốc độ ra phim; các rạp chiếu cũng mọc nhanh như nấm sau mưa; lượng khán giả kéo đến rạp ngày càng tăng thì các con số về doanh thu phòng vé tất nhiên cũng được quan tâm. Như một lẽ tất nhiên, doanh thu phim nội càng tăng thì sẽ càng kích cầu sự đầu tư vào sản xuất. Từ đó mới dám nghĩ đến một thị trường điện ảnh Việt thực sự sôi động và đa dạng, chứ không chỉ "ăn xổi ở thì".
Cùng nhìn lại những cột mốc doanh thu mang tính lịch sử của phim điện ảnh thương mại Việt trong vòng 15 năm qua.
2003: Gái Nhảy vực dậy dòng phim thương mại
Năm 2003 được xem là thời điểm dòng phim nhà nước bắt đầu thoái trào, nhu cầu giải trí của khán giả với phim ảnh tăng lên, mở rộng từ truyền hình sang các rạp chiếu bóng. Trong bối cảnh đó, Gái Nhảy của đạo diễn Lê Hoàng đã tạo nên một dấu ấn mang tính lịch sử cho phòng vé khi thu về 12 tỷ, một con số cực kì ấn tượng thời điểm đó, khởi đầu cho giai đoạn sôi động hơn hẳn của dòng phim thương mại, giải trí.
Các diễn viên tham gia Gái Nhảy khi đó cũng nghiễm nhiên trở thành những gương mặt đình đám, những cái tên hái ra tiền như Mỹ Duyên, Minh Thư, đạo diễn Lê Hoàng. Và như một thông lệ mới xuất hiện, mỗi năm sẽ có ít nhất một phim Việt ra rạp vào thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường chính thức bước vào giai đoạn nhộn nhịp của người đầu tư, người làm phim lẫn khán giả.
Các bộ phim ấn tượng ra đời trong giai đoạn này mà đến bây giờ khán giả vẫn còn nhớ có thể kể đến như Những Cô Gái Chân Dài (Vũ Ngọc Đãng), Khi Đàn Ông Có Bầu (Phạm Hoàng Nam), 2 Trong 1 (Đào Duy Phúc), Đẻ Mướn (Lê Bảo Trung)...
2013: Tèo Em và con số khủng đầu tiên 80 tỉ
Trong suốt 10 năm ròng, điện ảnh Việt phát triển ở nhiều khía cạnh. Lượng phim tăng qua mỗi năm, mùa phim được mở rộng ra rải rác chứ không chỉ trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nhiều bộ phim tạo ra kỉ lục phòng vé mới như Giải Cứu Thần Chết, Nụ Hôn Thần Chết, Những Nụ Hôn Rực Rỡ, Mỹ Nhân Kế.... (trung bình khoảng 20 tỉ) và hầu hết đều là các phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người chuyên trị những bộ phim có chủ đề mới lạ, hiện đại, cập nhật theo xu hướng của điện ảnh thế giới.
Tuy nhiên, con số hai mươi mấy tỉ rồi bốn mươi mấy tỉ trong quãng thời gian quá dài mà không có nhiều bứt phá đã từng khiến người ta nghĩ rằng điện ảnh Việt khó mà có thể đạt được những cái gì lớn hơn. Hầu hết phim đều theo chủ đề tình cảm, hài hước, đặc biệt là các bộ phim do Hãng phim Phước Sang sản xuất còn được ưu ái đặt cho dòng tên riêng là dòng phim hài nhảm mà tiêu biểu là Hello Cô Ba (bộ phim này theo nhà sản xuất là thu được 25 tỉ sau một tuần công chiếu năm 2012).
Cũng trong 10 năm đó, điện ảnh Việt đã chứng kiến sự ra đời của nhiều bộ phim chất lượng cao, góp phần thay đổi diện mạo chất lượng như Dòng Máu Anh Hùng (Charlie Nguyễn), Scandal - Bí Mật Thảm Đỏ (Victor Vũ), Thiên Mệnh Anh Hùng (Victor Vũ)... nhưng hầu hết đều không có doanh thu quá khủng để tạo thành kỉ lục. Đáng tiếc nhất phải kể đến Bụi Đời Chợ Lớn từng bị cấm chiếu năm 2013 của Charlie Nguyễn cũng vì vậy mà không thể tham gia đường đua mang tên doanh thu phòng vé.
Cuối năm 2013, Tèo Em cũng của đạo diễn Charlie Nguyễn ra mắt và thu được tổng doanh thu chung cuộc là 80 tỉ. Bộ phim đã tạo ra một kỉ lục doanh thu vượt bậc mới cho phim Việt, tạo ra sự hào hứng và hy vọng cho giới làm phim lẫn khán giả. Cặp đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa càng thêm bảo chứng danh hiệu "ông hoàng phòng vé". Trước đó, năm 2011, Long Ruồi cũng của bộ đôi này đã thu được 42 tỷ, một con số cũng ấn tượng.
2015: Để Mai Tính 2 là phim đầu tiên chạm mốc trăm tỉ
Ra mắt cuối năm 2014, thêm một tác phẩm của cặp đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa oanh tạc phòng vé là Để Mai Tính 2. Sau một thời gian công chiếu, doanh thu chung cuộc của bộ phim là 101 tỉ, chính thức xác lập thêm một kỉ lục mới của phim nội cũng như phim Việt đầu tiên chạm mốc trăm tỉ.
Đứng trước con số này, tất nhiên mọi người ai nấy đều háo hức và tràn đầy hy vọng về một giai đoạn phát triển rực rỡ của phim nội trong tương lai. Nhưng đồng thời khi nhìn lại những bộ phim đã tạo được kỉ lục từ Long Ruồi, Tèo Em, Để Mai Tính 2... giới chuyên môn không khỏi lo lắng khi chỉ những phim hài mới có thể thắng lớn.
Điều băn khoăn này cũng đúng, nhưng thiết nghĩ nó lại không cần thiết trong bối cảnh phim ảnh nước nhà quá non trẻ. Phải chứng minh được thị trường có tiềm năng thì các nhà đầu tư mới dám mạnh tay, dần dà thì ta mới dám đòi hỏi sự đa dạng.
2016: Phim trăm tỉ thứ hai đến từ Em Là Bà Nội Của Anh
Đúng một năm sau, điện ảnh Việt xuất hiện "tân vương" cho ngôi vị phim trăm tỉ, thậm chí là phá được kỉ lục trước đó: Em Là Bà Nội Của Anh với 102 tỉ.
Em Là Bà Nội Của Anh là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, được remake từ phim Hàn Quốc là Miss Granny. Thắng lợi trị giá 102 tỉ này không chỉ tạo ra kỉ lục mới cho phòng vé mà còn kích thích sự dấn thân, trải nghiệm của những đạo diễn trẻ, cũng như sự cảnh tỉnh cho những đạo diễn cũ, những người đang ngủ quên trên chiến thắng.
Bằng chứng chính là mùa hè năm 2016, bom tấn Fan Cuồng được đầu tư đến 26 tỉ của cặp đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa đã "ngã ngựa" đau đớn vì chất lượng không tốt. Cũng trong năm 2016, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể của Ngô Thanh Vân đã thu hơn 70 tỉ dù không được hệ thống rạp chiếu lớn nhất nhận phim cũng đặt ra một quy chuẩn mới trong công tác quảng bá, chọn chủ đề khi làm phim, đưa Ngô Thanh Vân vào lãnh địa của những "ông lớn, bà lớn" ngành điện ảnh.
Em Là Bà Nội Của Anh cũng mở ra một thời kì phim remake mới ở Việt Nam, sau một thời gian dài remake phim truyền hình và không thành công. Hàng loạt kế hoạch, tác phẩm remake mà đa số từ Hàn Quốc ra đời, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có phim remake nào phá được kỉ lục doanh thu Em Là Bà Nội Của Anh.
2017: Em Chưa 18 gây bất ngờ với hơn 170 tỉ
Nếu năm 2003 từng là thời kì mở đầu mang tính lịch sử của phim thương mại thì 2017 chính là năm khiến mọi người há hốc mồm vì những kỉ lục mới được xác lập từ một phim vốn không được kỳ vọng từ ban đầu.
Em Chưa 18 ra đời trong sự hồ nghi của tất cả mọi người khi mà đạo diễn Lê Thanh Sơn 8 năm mới quay lại làm phim, hai diễn viên chính thì không có cơ sở để khán giả tin tưởng, cộng thêm cái tên Charlie Nguyễn ở vị trí sản xuất sau cú thất bại với Fan Cuồng... khá nhiều yếu tố để người ta tin rằng Em Chưa 18 sẽ là một thảm họa điện ảnh mới, hoặc là một cái tên nhạt nhòa đến rồi đi nhanh chóng.
Thế nhưng, bộ phim đã lập nên rất nhiều kỉ lục mới ở phòng vé. Doanh thu 170 tỉ sau hơn một tháng công chiếu không chỉ là một con số khủng khiếp chưa ai dám nghĩ tới mà nó còn khiến Em Chưa 18 trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất Việt Nam, vượt qua cả những phim ngoại đình đám như Kong: Skull Island hay Fast and Furious 8.
Đến tận bây giờ, Em Chưa 18 vẫn là đối thủ nặng kí, dễ gây mất áp lực nhất cho bất cứ ứng cử viên nào muốn phá kỉ lục.
Cột mốc 200 tỉ có xảy ra trong 2018?
Theo nhịp độ từ 2015 đến nay thì 2018 phải có một kỉ lục doanh thu khác thì mới đều đặn. Và con số 200 ti đang là đích nhắm tiếp theo. Nếu Avengers: Infinity War đang là ứng viên sáng giá nhất cho con số này trong năm thì ở địa hạt phim Việt, Tháng Năm Rực Rỡ cũng đang được kì vọng.
Sau 10 ngày công chiếu chính thức cộng với một số suất sneak-show trước đó, Tháng Năm Rực Rỡ đã đạt hơn 1 triệu lượt xem và thu về 65 tỉ. Con số này còn khiêm tốn chán so với Em Là Bà Nội Của Anh chứ đừng nói gì Em Chưa 18, nhưng do Tháng Năm Rực Rỡ không may mắn phát hành trong thời điểm giá vé ở các rạp bị giảm dữ dội. Với mức vé trung bình hiện tại khoảng 35~40k/vé áp dụng suốt tuần cho khán giả dưới 23 tuổi (cũng là đối tượng chủ lực ở rạp) thì việc doanh thu Tháng Năm Rực Rỡ kém hơn dù lượt xem nhiều là chuyện tất nhiên và buộc phải chấp nhận.
Hy vọng bộ phim sẽ đạt được 200 tỉ để tạo ra thêm một kỉ lục mới, một giai đoạn hào hứng mới cho phim Việt dù biết là sẽ rất khó, trừ phi bây giờ mọi người chuyển qua so sánh về... lượt xem. Nhưng chỉ mới 3 tháng đầu năm mà thôi, chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để kiểm chứng xem liệu có một cột mốc lịch sử nào xuất hiện nữa không.
Theo kenh14
Bình luận