Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Khám phá vùng đất viễn tưởng đa màu sắc "Vùng đất hủy diệt"

591
0

Trailer bộ phim 'Annihilation' Tác phẩm khoa học viễn tưởng của đạo diễn Alex Garland, với ngôi sao Natalie Portman trong vai chính.

Thể loại: Khoa học viễn tưởng, kinh dị, tâm lý
Đạo diễn: Alex Garland
Diễn viên chính: Natalie Portman, Jennifer Jason Leigh, Gina Rodriguez, Tessa Thompson, Tuva Novotny, Oscar Isaac
Zing.vn đánh giá: 9/10

Lena (Natalie Portman) từng có cuộc sống khiến nhiều người phải ghen tị. Thành đạt trong công việc với vị trí giáo sư ngành sinh học tế bào tại trường đại học danh tiếng John Hopkins, cô còn có người chồng Kane (Oscar Isaac) luôn hết mực yêu thương mình, dù chàng lính đặc nhiệm đôi khi phải xa vợ vì những điệp vụ bí mật ở các vùng đất không tên.

Trong một nhiệm vụ bí ẩn như thế, Kane đột nhiên biến mất. Sự kiện đau lòng khiến Lena héo mòn trong những tháng ngày chờ đợi đầy tuyệt vọng. Tưởng chừng cô đã mãi mãi mất đi người chồng thân thương, thì sau đúng một năm, Kane bất ngờ trở về mà không có một lời giải thích cho quãng thời gian mất tích trước đó.

Annihilation là bộ phim giả tưởng chỉ phát hành ngoài rạp tại Bắc Mỹ và Trung Quốc. Với các thị trường khác, tác phẩm lên thẳng hệ thống Netflix từ 12/3.

Lena chỉ tìm thấy phần nào đáp án cho sự biến mất rồi quay trở về đầy bí ẩn của Kane khi cả hai vợ chồng bị quân đội áp giải xuống một căn cứ quân sự ở miền Nam nước Mỹ, nơi Kane nhận nhiệm vụ cuối cùng trước khi anh mất tích.

Tiếp xúc với tiến sĩ tâm lý Ventress (Jennifer Jason Leigh), Lena biết rằng căn cứ quân sự đó được dựng lên trong nỗ lực nhằm tìm ra nguồn gốc và ngăn cản sự mở rộng của quầng ánh sáng bí hiểm gọi là “The Shimmer”. Lần đầu xuất hiện tại một ngọn hải đăng ở vùng duyên hải cách đây ba năm, nó cứ thế lặng lẽ lan sâu vào bên trong đất liền.

Một nhóm phụ nữ tiến vào The Shimmer để tìm hiểu những bí ẩn bên trong quầng sáng bí ẩn đột nhiên xuất hiện ở vùng miền Nam nước Mỹ.

Tuy không gây ra sự tàn phá hữu hình nào, nhưng The Shimmer lại nuốt chửng bất cứ đoàn thám hiểm nào được chính phủ Mỹ cử vào để nghiên cứu nguồn gốc của nó. Kane là thành viên của một biệt đội như thế, và anh chính là người duy nhất toàn mạng thoát khỏi quầng sáng bí hiểm để quay về với cuộc sống và với Lena.

Nhưng Kane giờ đổ bệnh liệt giường, không còn chút trí nhớ nào về những sự kiện đã xảy ra trong quá trình làm nhiệm vụ. Không thể yên lòng khi chưa tìm ra sự thật về chuyến đi định mệnh của chồng mình, Lena quyết định gia nhập đoàn thám hiểm tiếp theo tiến vào tâm The Shimmer do chính nữ tiến sĩ Ventress dẫn đầu.

Và cùng nhóm phụ nữ đồng hành bao gồm tiến sĩ vật lý Josie Radek (Tessa Thompson), chuyên gia y tế Anya Thorensen (Gina Rodriguez), và nhà địa chất Cass Sheppard (Tuva Novotny), Lena nhanh chóng nhận ra rằng đằng sau bức màn ánh sáng bí hiểm, The Shimmer là một thế giới hoàn toàn khác biệt, với những tạo vật kỳ lạ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên Trái đất.

Tiếp nối dòng tư tưởng của Ex Machina(2015)

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng cùng tên của nhà văn Jeff VanderMeer, Annihilation (tạm dịch: Vùng huỷ diệt) là bộ phim mới nhất của nhà làm phim Alex Garland.

Nhắc tới Garland, hẳn nhiều khán giả sẽ nhớ ngay tới các tác phẩm khoa học giả tưởng do anh chấp bút kịch bản như 28 Days Later (2002), Sunshine (2007), Never Let Me Go (2010), và dĩ nhiên là Ex Machina(2015).

Ex Machina là một trong những bộ phim đáng nhớ nhất của điện ảnh thế giới năm 2015, và là dự án đầu tiên mà Alex Garland còn đồng thời đảm nhận cả vai trò đạo diễn.

Giúp nhà làm phim người Anh nhận đề cử Oscar hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc, đó là câu chuyện mang đậm chất hiện sinh về cô người máy Ava (Alicia Vikander) và nỗ lực thoát khỏi “đấng Tạo hoá” Nathan Bateman (Oscar Isaac) để thực sự trở thành “con người” của nhân vật.

Alex Garland tiếp tục phát huy khả năng ở vai trò đạo diễn và biên kịch với Annihilation

Không chỉ mang điểm chung với Ex Machina bởi sự hiện diện của tài tử Oscar Isaac, Annihilation còn chia sẻ với bộ phim người máy của Garland những trăn trở, suy tư đầy tính triết lý về vị trí của mỗi con người trong vũ trụ bao la, về giá trị của sự tồn tại ngắn ngủi mà đấng Tạo hoá ban cho mỗi chúng ta.

Để tiếp nối dòng suy nghĩ rất riêng ấy, Alex Garland xây dựng kịch bản của Annihilation chủ yếu chỉ dựa trên cái tứ về chuyến hành trình tìm kiếm sự thật trong The Shimmer của cuốn tiểu thuyết gốc, chứ không hoàn toàn bám lấy từng chi tiết mà nhà văn Jeff VanderMeer từng đưa vào bộ truyện từng giành rất nhiều giải thưởng văn học danh giá dành riêng cho thể loại giả tưởng.

Nhưng người hâm mộ cuốn tiểu thuyết Annihilation cũng không nên vì sự khác biệt ấy mà cảm thấy thất vọng với phiên bản điện ảnh chuyển thể của Alex Garland.

Bởi nhà làm phim người Anh đã thêm một lần nữa chứng tỏ khả năng của bản thân bằng phần kịch bản chặt chẽ, gọn gàng, chứa đựng nhiều câu hỏi mở buộc khán giả liên tục phải suy nghĩ, nhưng cũng đủ hấp dẫn, đặc biệt là ở nửa sau, để lôi cuốn người xem tới phút chót.

Cơ hội chiêm nghiệm lại thế giới quan của bản thân

Có một chi tiết khá đặc biệt xoay quanh Annihilation. Tác phẩm mới của Alex Garland có kinh phí sản xuất không hề nhỏ: khoảng 50 triệu USD. Nhưng “ông lớn” Paramount Pictures sau khi xem xét kết quả chiếu thử không mấy khả quan của bộ phim đã quyết định nhượng lại phần lớn quyền phát hành Annihilation cho kênh chiếu phim trực tuyến Netflix.

Lấy lý do bộ phim quá “phức tạp”, quá “triết lý”, khó lòng ăn khách nếu trình chiếu rộng rãi ngoài rạp, quyết định đến từ Paramount đã tước đi của Alex Garland cơ hội mang đến cho công chúng trải nghiệm điện ảnh thực sự với Annihilation trên màn ảnh rộng.

Bộ phim khởi đầu chậm chạp nhưng dần bùng nổ tới nghẹt thở ở nửa sau.

Quả thực, dù là tác phẩm khoa học viễn tưởng pha chất kinh dị, Annihilation chọn nhịp phim chậm chạp - đặc biệt ở nửa đầu, và cấu trúc không hề dễ nắm bắt khi pha trộn cả yếu tố của một cốt truyện phi tuyến tính và sự hiện diện của những “nhân chứng không đáng tin” - thủ pháp quen thuộc trong các tác phẩm mang màu sắc trinh thám như Rashômon (1950) hay The Usual Suspects (1995).

Tuy nhiên, việc không tập trung vào những chi tiết ly kỳ, giật gân xem ra là lựa chọn hoàn toàn có chủ đích của Alex Garland. Chính nhịp độ chậm rãi cùng nhiều góc quay đơn giản tới mức “lười biếng” giúp khán giả có thời gian chuẩn bị để đối diện với thế giới kỳ lạ của The Shimmer, giúp họ đặt mình vào vị trí của Lena, của Ventress, của Josie, của Cass, rồi từ đó tự đặt ra câu hỏi về sự tồn tại thực sự của các nhân vật, về mối liên hệ giữa đám tạo vật kỳ quặc bên trong quầng sáng bí ẩn với những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thường nhật.

Do đó, nếu coi The Shimmer là chiếc lăng kính phản chiếu thế giới dưới góc nhìn dị biệt, đa sắc, thì Annihilation chính là chiếc lăng kính giúp người xem có thể chiêm nghiệm lại thế giới quan của bản thân, suy ngẫm về các khía cạnh, màu sắc khác nhau của những khái niệm mà từ trước đến nay chúng ta vẫn chỉ coi là “một màu”.

Cái kết đa nghĩa, ám ảnh

Tuy sở hữu phần nội dung hết sức dày dặn, và đặc biệt lôi cuốn về mặt hình ảnh, nhưng Annihilation chưa thể đạt đến độ hoàn hảo. Bên cạnh phần mở đầu không thực sự lôi cuốn, một điểm yếu nữa của bộ phim nằm ở chính dàn diễn viên.

Lần lượt Jennifer Jason Leigh, Natalie Portman, hay Oscar Isaac không để lại quá nhiều ấn tượng. Cách diễn tương đối khô cứng, đôi lúc gây nên cảm giác máy móc trong Annihilation của các diễn viên từng giành vô số giải thưởng điện ảnh khó lòng giúp họ chiếm được chỗ đứng bên trong lòng khán giả sau khi bộ phim kết thúc.

Các nhân vật không phải là điểm mạnh của Annihilation.

Song, cần phải nhớ rằng Annihilation chứa đựng hàng loạt lựa chọn điện ảnh hoàn toàn có chủ đích của Alex Garland về mặt kịch bản và thực hiện. Nên lối diễn khô cứng của dàn sao trong phim, cũng như cách xây dựng nhiều nhân vật không có chiều sâu, có thể lại là một ẩn ý nữa, liên hệ trực tiếp tới nội dung và đoạn kết của bộ phim.

Khi Annihilation đi đến hồi kết căng thẳng, nghẹt thở và đầy ma mị, có lẽ mỗi khán giả sẽ có cách lý giải riêng. Đó có thể là liên hệ tới thuyết luân hồi trong Phật giáo, có thể là suy nghĩ về cách thức con người đã lạm dụng và tàn phá thiên nhiên mà không suy nghĩ tới sự tồn vong của đồng loại trong tương lai, hoặc có thể đơn giản chỉ là suy tư về sự mỏng manh của cuộc sống khi phải đương đầu với thử thách lớn lao như bệnh tật, như tình cảm ngày một tàn lụi giữa con người với con người.

Đây chính là vẻ đẹp của Annihilation, và việc bộ phim nay được phát hành tại nhiều nơi trên thế giới qua Netflix lại hóa thành điều hay. Bởi khán giả nay có thể trải nghiệm, theo dõi bộ phim mới của Alex Garland nhiều lần, không giới hạn, để tiếp tục tìm kiếm những màu sắc mới, những ý nghĩa mới từ tác phẩm rất giàu triết lý của anh.

 

Theo news zing

 

 

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới