7 "easter egg" được xuất hiện trong Tháng năm rực rỡ liệu bạn còn nhớ
Sau 3 ngày sneak show quá thành công thì Tháng Năm Rực Rỡ đã chính thức ra mắt tại các rạp chiếu phim sớm hơn 2 ngày. Với nội dung nhân văn được kể bằng giọng điệu nhẹ nhàng, đằm thắm đậm chất nữ tính, dàn diễn viên chính của bộ phim đã khiến không chỉ riêng chị em phụ nữ mà cả cánh mày râu cũng phải xúc động và bị thuyết phục trước những thước phim vui tươi và giàu năng lượng của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Là một phim có bối cảnh lịch sử nhưng tất nhiên câu chuyện, nhân vật đều là hư cấu. Thành thử nếu tinh ý bạn sẽ phát hiện ra một loạt "trứng phục sinh" được xuất hiện trong Tháng Năm Rực Rỡ.
(Easter Egg/Trứng Phục sinh là thuật ngữ trong điện ảnh dùng để chỉ những chi tiết có liên quan đến văn hoá, sự vật, sự việc thật hoặc là một tác phẩm nào đó khác)
1. Bài hát Giấc Mơ Tuyệt Vời của Lam Trường.
Ngay trong những cảnh đầu tiên, khi Hiểu Phương (Hồng Ánh) ở nhà buồn chán nên đã bật nhạc lên nghe thì ca khúc Giấc Mơ Tuyệt Vời (nhạc sĩ Bảo Chấn) do Lam Trường thể hiện khi đó đã khiến nhiều khán giả cảm thấy bùi ngùi. Nhưng, có thể bạn chưa biết, bài hát này từng xuất hiện trong phim Cầu Thang Tối cũng do Hồng Ánh đóng năm 1998, khi đó còn có tên là Bài Ca Đêm và do Nguyệt Ánh trình bày.
Ca khúc "Giấc mơ tuyệt vời" xuất hiện trong "Cầu thang tối" của Hồng Ánh
Bộ phim Cầu Thang Tối đã đem đến cho cô diễn viên Hồng Ánh 22 tuổi khi đó giải "Diễn viên triển vọng" trong Liên hoan Phim VN lần thứ 12 được tổ chức tại Huế.
2. Ảnh Đan Trường trong phòng ngủ của con gái Hiểu Phương.
Tấm ảnh này đã xuất hiện trong phòng của Phương My, con gái Hiểu Phương
Cũng trong những khung hình đầu tiên, khi máy quay theo bước chân Hiểu Phương tiến vào phòng của con gái. Nếu nhìn kĩ bạn sẽ thấy ở đằng sau Phương My (Yu Dương) là một tấm bảng có treo, dán khá nhiều tranh ảnh. Trong đó, có ảnh của Đan Trường.
Đây là một chi tiết thể hiện sự kĩ lưỡng của nhà sản xuất trong việc xây dựng bối cảnh, chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất. Năm 2000, cũng là thời điểm của phim, chính là quãng thời gian Đan Trường nổi lên như một hiện tượng của giới trẻ với các ca khúc đình đám như Đi Về Nơi a, Kiếp Ve Sầu,...
3. Mãnh Lực Đồng Tiền, Long Tranh Hổ Đấu và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang.
Trong cảnh sinh viên yêu nước biểu tình rồi ẩu đả với quân đội Việt Nam Cộng Hoà, nhóm Ngựa Hoang thì đối đầu nhóm Lôi Báo giữa hội trường Hòa Bình, máy quay có lướt qua những tấm băng rôn phim được treo ở rạp chiếu bóng. Hai bộ phim Mãnh Lực Đồng Tiền (đạo diễn Lê Mộng Hoàng) và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (đạo diễn Lê Hoàng Hoa) đều là những bộ phim rất nổi tiếng trước Giải phóng. Ca khúc nhạc nền trong phân cảnh đó cũng là bài Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang của nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh sáng tác.
Ngoài ra, trong phân cảnh hai bên tiến sát lại với nhau thì còn một bộ phim nữa xuất hiện trên băng rôn là Long Tranh Hổ Đấu. Bộ phim này rất nổi tiếng của Lý Tiểu Long, ra mắt năm 1973, của đạo diễn Robert Clouse.
4. Hiểu Phương gợi nhớ đến điệu nhảy Singin' In The Rain năm nào.
Trong phân đoạn Hiểu Phương nhảy múa với chiếc ô do Đông Hồ mua tặng trong cơn ngất ngây của tình yêu đầu đời, những mọt phim chắc chắn sẽ nhớ đến màn nhảy múa dưới mưa nổi tiếng trong bộ phim nhạc kịch kinh điển Singin' In The Rain do Mỹ sản xuất vào năm 1952.
Ra đời vào buổi đầu phim màu của điện ảnh thế giới, Singin' In The Rain đã tạo ra nhiều trào lưu nổi tiếng. Trong đó, hình ảnh nam diễn viên Gene Kelly múa hát dưới cơn mưa tầm tã là biểu tượng kinh điển của điện ảnh thế giới và văn hoá phương Tây. Phân đoạn "What a waste of a lovely night" trong bộ phim nổi tiếng La La Land làm mưa làm gió ở Oscar năm ngoái cũng được cho là gợi nhắc đến cảnh phim kinh điển này.
Cảnh vũ đạo "huyền thoại" trong Singing In The Rain
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết anh cố tình dùng chi tiết này để "tribute" (tri ân) bộ phim kinh điển. Và phân đoạn đó Hoàng Yến Chibi đã phải vừa nhảy vừa hát thật với những cú quay oneshot để ghi lại cảm xúc thật nhất.
5. Wonder Girls và Gangnam Style.
Lan Chi suýt nữa đã đặt tên cho nhóm là Wonder Girls
Khi 6 chị em nhóm Ngựa Hoang đang băn khoăn không biết nên chọn cái tên nào thật ngầu để cạnh tranh với đối thủ là nhóm Lôi Báo thì nhân vật Lan Chi (Minh Thảo) đã đề xuất đặt tên là Wonder Girls. Khán giả mê văn hoá đại chúng Hàn Quốc chắc chắn không thể không nghĩ đến girl group nổi tiếng cùng tên. Như thể để củng cố cho sự gợi nhắc này, nhân vật Thùy Linh còn bồi thêm "tên đó thế nào cũng có người đặt".
Ngoài ra, trong cảnh cả nhón tập nhảy thì Hiểu Phương bất ngờ sáng tạo ra điệu nhảy ngựa khiến cả bọn giật mình. Cô bé còn nói rằng biết đâu sau này điệu nhảy của tao nổi tiếng thì sao. Đây là một chi tiết thú vị liên quan đến điệu nhảy Gangnam Style rất nổi tiếng của nghệ sĩ Hàn Quốc Psy.
6. Nhóm Lôi Báo.
Băng nhóm đối đầu với Ngựa Hoang trong phim tự nhận mình có tên là Lôi Báo, chứ không chỉ ra vẻ hổ báo. Chi tiết này khiến khán giả bật cười vì nhớ đến phim hành động mang hơi hướm siêu anh hùng vừa ra rạp vào cuối năm 2017 của Victor Vũ.
Vòng hoa của nhóm Lôi Báo trong đám tang Mỹ Dung
Ở đoạn cuối, trong đám tang của Dung "đại ca", chi tiết vòng hoa viếng của nhóm Lôi Báo gửi đến cũng là một chi tiết cảm động, dù biết rằng đạo diễn chỉ đưa vào cho vui.
7. Bia 33 và xá xị Chương Dương.
Nhãn hiệu bia 33 trong phim
Trong nhiều phân đoạn, khán giả dễ dàng nhìn thấy những biển hiệu quảng cáo ở khắp đường phố Đà Lạt trước năm 1975, trong đó có những biển quảng cáo bia 33, tiền thân của nhãn hiệu bia 333 bây giờ. Bia 33 là sản phẩm của một xưởng chế tạo bia tên BGI do doanh nhân Victor Larue thành lập ở Chợ Lớn.
Năm 1977, BGI đóng cửa và thương hiệu bia 33 được Sabeco tiếp quản. Do không thể tiếp tục sử dụng cái tên bia 33 vì thương hiệu này đã được đăng ký toàn cầu, Sabeco đặt lại tên sản phẩm của mình là bia 333.
Cùng với bia 33 chính là hình ảnh những chai xá xị Chương Dương xuất hiện trong cảnh Tuyết Anh với Hiểu Phương nhậu trên phố và đoạn Kiều Chinh nổi điên trong canteen. Tuy nhiên, dường như phía sản xuất đã nhầm nhọt ở khâu này. Trước Giải phóng thì đúng là loại nước ngọt này rất phổ biến nhưng có tên là nước ngọt Con Cọp, cũng do BGI sản xuất. Mãi đến năm 1977, BGI mới nhượng quyền sản xuất và sở hữu lại cho Việt Nam, từ đó nhà máy Chương Dương mới xuất hiện. Thành thử hình ảnh chai thuỷ tinh có logo của Chương Dương là không đúng cho lắm.
Ảnh quảng cáo nước ngọt Con Cọp
Ngoài những thứ kể trên thì sách, vở trong phim cũng rất được chú trọng tính thực tế. Dù không xuất hiện vào ống kính quá cận nhưng nhà sản xuất vẫn tham khảo kĩ lưỡng lịch sử để làm lại những quyển sách, tập cho đúng nhất.
Bạn thấy đó, làm một bộ phim có bối cảnh ngày xưa như Tháng Năm Rực Rỡ không đơn giản chút nào. Chắc chắn là có sai lệch nhưng sự cố gắng, có tâm của ekip cũng là điểm đáng ghi nhận. Phim đang được khởi chiếu trên toàn quốc.
Theo kenh14
Bình luận